Khi Nào Cần Đảo Lốp Ô Tô?

on
Categories: Tin tức

Như chúng ta đã biết trục trước và sau của xe ô tô không mòn lốp đều nhau. Bánh trước của ô tô dẫn động cầu trước sẽ mòn nhanh hơn bánh sau vì trọng lượng của động cơ đè lên chúng. Đảo lốp ô tô là một trong những biện pháp giải quyết vấn đề lốp mòn không đều.

Vì sao phải đảo lốp ô tô?

Đảo lốp xe ô tô là một hoạt động cần thiết trong quy trình bảo dưỡng xe, nó đảm bảo cho phương tiện của bạn vận hành an toàn, ổn định, giúp hạn chế sự hao tổn nhiên liệu và tăng tuổi thọ của lốp xe.

Đảo lốp xe ô tô là việc thay đổi vị trí của các lốp xe trước-sau trái-phải với nhau theo một quy tắc nhất định, nhằm đảm bảo việc mòn đều giữa các lốp xe khác nhau của chiếc xe. Một bộ lốp xe bị mài mòn đều sẽ có thời gian sử dụng lâu hơn so với một bộ lốp xe mòn “lệch”.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc bị mòn không đều giữa các lốp xe là do độ nặng nhẹ khác nhau của các trục xe, cơ cấu truyền động và điều hướng, cách lái xe và điều kiện đường sá .

Khi nào cần đảo lốp ô tô?

Thông thường, thì các nhà sản xuất xe hơi khuyến nghị việc đảo lốp sau mỗi 5.000 – 10.000 km tùy theo loại lốp. Để đơn giản hơn thì quý bạn đọc có thể lấy con số trung bình 7.500 km hoặc đảo lốp mỗi khi thay dầu máy hoặc theo chỉ dẫn riêng của nhà sản xuất .

Quá trình đảo lốp thường được kết hợp với việc cân bằng động lốp xe và các kiểm tra các góc đặt bánh để đảm bảo hiệu quả nhất. Ngoài ra, tùy vào từng địa hình, cung đường chạy khác nhau mà các tài xế lái xe nên cân nhắc khoảng thời gian đảo lốp sao cho phù hợp.

Với những xe thường xuyên chạy trong thành phố, mặc dù quãng đường di chuyển không nhiều nhưng do mật độ xe đông đúc khiến người lái thay đổi tốc độ liên tục. Cùng với đó là tần suất phanh ga cũng nhiều hơn, dẫn đến việc lốp mòn nhanh hơn và mòn không đều nhau.

Ngoài việc chú ý đến sự ăn mòn của lốp thì việc đảm bảo áp suất lốp vừa đủ cũng là việc làm cần thiết phải thực hiện hàng ngày.

Các bước đảo lốp xe

Bước 1: Kiểm tra bề mặt các lốp, áp suất, độ mòn

Khi đảo lốp cũng cần kiểm tra bằng mắt thường bề mặt và má lốp, kiểm tra các vết phồng rộp. Nếu bề mặt lốp lộ lớp bố thì nên thay luôn bộ lốp mới.

Bước 2: Cân bằng động của lốp

Lốp và vành xe khi được sản xuất sẽ có những sai số, khiến trọng lượng phân bổ không đều trên toàn bộ bề mặt, có những điểm sẽ nhẹ hơn chỗ khác chỉ khoảng vài gam. Điều này khiến lốp quay không đều quanh trục, xe bị rung. Vì vậy, cần phải cân bằng động và gắn những miếng chì vào nơi bị nhẹ trên vành xe để lốp xe được cân bằng.

Bước 3: Đảo lốp theo phương án cho xe dẫn động cầu trước.

Hai bánh trước chuyển thẳng xuống bánh sau. Hai bánh sau đổi chéo lên trước.

Đặc biệt lưu ý đối với những loại lốp bố tỏa tròn (Radial), có hoa lốp dẫn hướng một chiều thì chỉ đảo giữa lốp trước và lốp sau. Không được đảo lốp trái sang lốp phải hoặc ngược lại. Không dùng lốp dự phòng tạm thời dùng đảo lốp.

Sau khi thực hiện đảo lốp, hãy chắc chắn các lốp sau và trước bơm đúng giá trị tiêu chuẩn và siết chặt các đai ốc.

Bước 4: Cân chỉnh độ chụm các bánh xe

Theo khuyến cáo của các chuyên gia hay nhà sản xuất, trung bình bạn cũng nên đảo lốp sau mỗi 5.000 đến 10.000 km, hoặc sớm hơn nếu phát hiện lốp bị mòn bất thường.

Đảo lốp chính xác sẽ giúp an toàn, tăng cường tuổi thọ lốp và có thể giúp tiết kiệm khoảng 3% nhiên liệu.

CÔNG TY TNHH AN PHÚC THỊNH